Tăng tốc rút khỏi Trung Quốc
Giờ đây, theo giới chức cấp cao và một số cựu quan chức Mỹ, thiệt hại kinh tế và số người tử vong cao do dịch Covid-19 tại Mỹ đang thúc đẩy chính phủ nước này chuyển sự phụ thuộc về sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach phụ trách về tăng trưởng kinh tế khẳng định. “Chúng tôi vẫn đang nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc các chuỗi cung ứng vào Trung Quốc trong vài năm qua và hiện chúng tôi đang đẩy mạnh sáng kiến này”.
Ông Krach nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt với an ninh Mỹ và chính phủ khả năng sẽ sớm thông báo bước đi mới về nó.
Theo nguồn tin cung cấp cho Reuters, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan khác của Mỹ đang tìm kiếm biện pháp nhằm thúc đẩy các công ty đưa hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong số những biện pháp đang được cân nhắc có ưu đãi về thuế và các khoản trợ cấp.
Các cơ quan cũng đang tìm hiểu xem lĩnh vực sản xuất nào nên được xem là “thiết yếu” và cách thức sản xuất những sản phẩm này ngoài Trung Quốc.
“Mạng lưới thịnh vượng kinh tế” và sự trừng phạt của Trump
Mới đây, Nhà Trắng cảnh báo sẽ áp đặt mức thuế mới tới 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD nhằm trừng phạt Trung Quốc do cách xử lý đại dịch Covid-19. Những biện pháp khác có thể gồm trừng phạt các công ty, quan chức Trung Quốc hoặc tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Ông Trump tuyên bố, tăng thuế đối với Trung Quốc “rõ ràng là một phương án” khi ông đang cân nhắc các cách đáp trả việc virus SARS-CoV-2 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, lây lan trên khắp thế giới.
Không dừng lại ở đó, một quan chức Mỹ cho biết, nước này đang thúc đẩy thành lập một liên minh gồm các “đối tác đáng tin cậy”, được gọi là “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”.
Mạng lưới này sẽ bao gồm các công ty, tổ chức dân sự xã hội hoạt động với cùng tiêu chuẩn trong mọi lĩnh vực, từ kinh doanh số, năng lượng và hạ tầng đến nghiên cứu, giáo dục và thương mại.
Theo ông Pompeo, một trong những nội dung của các cuộc thảo luận là “cách thức tái cấu trúc các chuỗi cung ứng” để ngăn tái diễn các kịch bản giống với khi Covid-19 bùng phát.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, chính phủ nước này hiện hợp tác với một số quốc gia, như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc…để thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiến về phía trước.
Theo ông Pompeo, một trong những nội dung của các cuộc thảo luận là “cách thức tái cấu trúc các chuỗi cung ứng” để ngăn tái diễn những gì xảy ra trong lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát
Các nước tại khu vực châu Mỹ Latin cũng có thể đóng vai trò nào đó. Đại sứ Colombia tại Mỹ Francisco Santos hồi tháng trước cho biết, ông đang thảo luận với Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại Mỹ về nỗ lực khuyến khích các công ty Mỹ chuyển một số chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và đưa họ trở về gần quê nhà hơn.
Khó khăn đặt ra
Nhiều công ty Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào sản xuất của Trung Quốc và coi đất nước tỷ dân như “một miền đất hứa”.
Theo giới chuyên gia nhận định, Mỹ lơ là nhiệm vụ bảo vệ nền tảng công nghiệp. Trong quãng thời gian đó, Trung Quốc quyết liệt hỗ trợ các nhà máy sản xuất và tạo ra những chuỗi cung ứng đem lại lợi thế kinh tế và chính trị cho nước này.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới vào năm 2010 và chiếm 28% sản lượng toàn cầu trong năm 2018, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc.
Đại dịch Covid-19 đã nêu bật vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thuốc generic, sự thống trị trong thị trường những sản phẩm như camera đo thân nhiệt và tầm quan trọng trong các chuỗi cung ứng thực phẩm.
Nguồn: Dân trí